Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

BÀI HỌC ĐỨC DỤC (J.A.Cômenxki (1592 - 1670)

GIÁO DỤC LÀ ÁNH SÁNG SOI ĐƯỜNG CHO TRÍ KHÔN, 
KHAI SÁNG TƯ DUY     (Ngọc Tâm sưu tầm)
                          

J.A.Cômenxki (1592 - 1670) là nhà giáo dục vĩ đại của dân tộc Séc và của thế giới. Nhiều vấn đề do ông xây dựng có giá trị mở đường để giáo dục tiến tới sự hoàn thiện. Ông đã để lại trên 250 công trình có giá trị về văn hóa, khoa học, văn chương... nhưng nổi bật nhất vẫn là lĩnh vực giáo dục.
Một trong những vấn đề ông đặc biệt quan tâm là đức dục. Theo ông, có 4 đức hạnh cơ bản cần giáo dục cho học sinh và thanh niên là:
Thứ nhất, tính công bằng. Giáo dục cho các em làm điều có lợi cho mình đồng thời tránh hại cho người khác; biết tránh những điều bất công, độc ác; biết làm điều thiện, yêu thương và giúp đỡ mọi người. Ông chỉ ra nguyên nhân duy nhất của sự sa sút dẫn đến đói khổ, chiến tranh... là do mù quáng tư duy, do con người không nắm bắt được mục tiêu của chính mình cũng như của tạo vật, tức là đã xúc phạm đến kẻ khác, đã lấy của người khác cái thuộc về họ. Giáo dục là ánh sáng soi đường cho trí khôn, khai sáng tư duy. Công bằng là không làm điều ác, tổn hại đến người khác và chọn điều thiện vì thương yêu con người.
Có học trò hỏi:
- Thưa thầy, ở đời có nhiều điều thiện khác nhau, vậy chúng con nên làm theo điều thiện nào?
- Hãy làm điều thiện cao cả nhất!
- Thưa thầy, nghĩa là thế nào?
- Là tự do. Tự do là trạng thái tốt nhất khi con người làm chủ được bản thân. Ta không làm nô lệ cho của cải bên trong ta, không làm nô lệ cho các thói hư tật xấu!
- Thưa thầy, thế nào là nô lệ của thói hư tật xấu?
Đó là khi con người bị lôi kéo bởi những ham muốn, dục vọng... rồi lao đầu vào một cách mù quáng. Các em hãy cảnh tỉnh trước những hình thức nô lệ đó để được tự do rồi từ đó mới có hạnh phúc!
- Thưa thầy, những người thế nào là đáng quý trọng hơn cả?
- Đó là những người biết khinh thường những thứ cơ hội, sự phú quý giàu sang, danh vọng và lòng tham tận hưởng cuộc đời!
Thứ hai, tính thận trọng. Thận trọng giúp người ta đạt kết quả vững chắc trong cuộc sống, tự do lựa chọn sau khi đã phân biệt được một cách chính xác giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái tốt hơn và cái xấu hơn, giữa cái tốt nhất và cái xấu nhất - để từ đó không rơi vào sự sai lạc của lí trí. Thận trọng trong cả lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành động, trong quan hệ giữa con người với con người.
Thứ ba, đức tính điều độ. Điều cần dạy cho trẻ là biết điều độ trong ăn uống, nghỉ ngơi, lao động, chơi đùa. Quy tắc là “không điều gì quá đáng, phải biết dừng lại trước khi đến chỗ no nê, chán ngán và mọi việc phải có ranh giới”.
Thứ tư, biết nhường nhịn. Học sinh, thanh niên phải biết kiềm chế, chiến thắng bản thân mình. Mọi người phải xử sự trong công việc, trong quan hệ một cách có hiểu biết, người này biết nhường nhịn người kia thì thế giới sẽ không hỗn loạn.
Ưu điểm nổi bật là J.A.Cômenxki không dừng lại ở lí luận, lí thuyết chung chung mà ông luôn gắn nó với thực tiễn. Ông cho rằng, đức hạnh con người cuối cùng phải thể hiện ở hành vi giao tiếp, đó là việc xử sự giữa con người với con người, giữa cá nhân với cộng đồng trong lời ăn, tiếng nói, cách chào hỏi, đi đứng, biểu hiện thái độ… Vì vậy, ông chú ý đến việc giáo dục hành vi cụ thể, chi tiết. Chẳng hạn, ông viết: “Nơi đông người mà nói năng thô tục, bạn hãy coi đó là liều thuốc độc. Cuộc trò chuyện không lịch sự làm hỏng những người lịch sự”, “Bất cứ lời nói nào cũng cười là thuộc tính của người vô duyên nhưng ngược lại, nếu không biết cười lại là người ngu ngốc”…
J.A.Cômenxki coi trọng việc người lớn làm gương cho trẻ, cho đó là cách giáo dục có tác dụng trực tiếp lớn lao: “Cha mẹ, vú nuôi, thầy giáo, người lớn… phải nêu gương của một cuộc sống nề nếp, vì trẻ em học bắt chước, trước khi hiểu biết”. Phải biết tạo cho trẻ “sự bận rộn với những việc làm nghiêm túc, hoặc vui chơi giải trí, miễn là đừng để chúng lêu lổng”.
Những bài học đức dục của J.A.Cômenxki, “Ông tổ của nền sư phạm cận đại”, người sống cách chúng ta trên 300 năm, vẫn còn nguyên giá trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét