TÌNH NGƯỜI, TÌNH ĐỜI (Nguồn từ Mail của Ngọc Tùng)
Ông LÊ VĂN TRƯỞNG cây cổ thụ của Thôn Thế Vinh |
BA
Học lớp 12, tôi không có
thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi
ba đích thân lên đưa cho tôi. Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo
không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba…
Cuối năm, làm hồ sơ thi
đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba
hỏi:”Có dư đồng nào không con?”. Tôi đáp: “Còn dư bốn ngàn ba ạ”. Ba nói
tiếp:”Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà
sửa”.
Ba về, tôi đứng đó, nước
mắt rưng rưng…
NGÀY SINH NHẬT ĐẦU TIÊN VÀ CUỐI CÙNG (Diệu An)
Chưa đến ngày sinh nhật,
còn đến khoảng hai, ba tháng, vợ đã lo nghĩ đến sinh nhật của chồng, con. Rồi
chồng lo sinh nhật của vợ con, và con lo ngày mừng tuổi cho ba mẹ. Duy chỉ một
người, không ai lo đến - ông nội già yếu. Và cho đến một ngày - ngày ông nội
mất.
Chồng hỏi vợ: Sinh nhật
ông ngày nào?
Vợ hỏi lại chồng: Ngày
nào là ngày sinh của ông?
Con cái hỏi cha mẹ: Ông
sinh ngày tháng nào?
Vậy là cả con, dâu,
cháu, chắt phải đi tìm ngày sinh cha ông trong chứng minh nhân dân đề làm bia
mộ cho ông.
Đó là ngày sinh nhật đầu
tiên và cuối cùng của ông.
Xót xa
Tần tảo dành dụm những
đồng tiền lẻ từ mớ rau, củ khoai, con cá con tôm bắt được để gởi lên cho chị
Hai ăn học. Tốt nghiệp Đại học Văn hóa – Nghệ thuật – Du lịch, chị Hai ở luôn
trên Thành phố làm Phó giám đốc cho một công ty Đầu tư và phát triển Du lịch
tại Sài Gòn. Mãi đến hôm nay – dễ chừng gần ba năm – chị Hai mới về. Cả nhà
khôn xiết vui mừng. Má lật đật chèo xuồng đến chợ nổi mua đồ về làm bữa cơm
thịnh soạn:
- Tội nghiệp chị
Hai tụi bay, hồi giờ có được bữa ăn nào đàng hoàng, tử tế đâu?
Đang ăn, chị Hai
bỗng giật mình, lấy đũa khều một sợi tóc từ trong đĩa lòng xào ra:
- Ai làm bê bối và
cẩu thả thế này? Kiểu này ở nhà hàng họ đã đổ vào thùng nước cơm! Khách du lịch
mà biết, chỉ có nước đóng cửa dẹp tiệm! Sạt nghiệp là cái chắc!
Nói xong, chị Hai
đứng dậy, nhanh chân bước lên nhà trên.
Từ nãy giờ, má
ngồi đó, im lìm như tượng đá. Thằng Út cầm sợi tóc lên săm soi một lúc rồi la
to lên, giọng còn ngọng nghịu:
- Sợi tóc bạc hơn
một nửa rồi má ơi!
NGHĨ LỄ
Cha nó xuôi ngược buôn
bán trên chiếc ghe nhỏ để lo cho nó ăn học. Xong đại học, nó ở lại thành phố.
Tết vừa rồi, tiễn nó đi,
ông dặn: “Con đi làm, ít về. Cha mẹ nhớ lắm. Nhưng ráng… đến dịp lễ rảnh con về
thăm cha mẹ”.
Nó hứa.
Lễ đến, ông hớn hở chờ
nó về. Nó điện thoại bảo không về được vì sinh nhật bạn gái.
Nghe xong, ông trầm
ngâm, lát sau nói với mẹ nó: “Vậy là tết thằng nhỏ nó mới về. Còn đến bốn tháng
nữa…”
Hay hay ghe
Trả lờiXóa