Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

SỰ TÍCH LỄ CÚNG TẾT ĐOAN NGỌ MỒNG 5 THÁNG 5 ÂM LỊCH

                     HỌP MẶT CÁC BẠN NK (1967 - 1974) TẠI NHÀ BẠN TRẦN THỊ CHỜ


SỰ TÍCH LỄ CÚNG TẾT ĐOAN NGỌ MỒNG 5 THÁNG 5 ÂM LỊCH
Thịt vịt cúng tết Đoan ngọ Mồng 5/5 Âm lịch
     Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan Dương, Tết Nửa Năm. Đoan là mở đầu; Ngọ là giữa trưa, là lúc khí dương đang thịnh... Xét về địa bàn thì Ngọ ở vào phương Nam, mà cung Ngọ thuộc dương và tháng 5 cũng là tháng Ngọ, do vậy tháng 5 Âm lịch là tháng khí dương tràn ngập.

Người ta còn gọi Tết Đoan Ngọ là Tết Trùng Ngũ hay Đoan Ngũ (ngày 5/5). Do vậy mà các ngày mồng 1, 2, 3, 4 tháng 5 Âm lịch được gọi Đoan nhất, Đoan nhị, Đoan tam, Đoan tứ.

    Ngày 5/5 Âm lịch khí dương tràn ngập, nên rất nóng bức, thời tiết mùa Hạ oi bức, các bệnh dịch hay phát sinh, do vậy các đền miếu thường cúng vào mùa Hè trừ ôn dịch, còn dân gian thì ngày 5/5 đi hái lá thuốc về để dành dùng dần. Họ còn lấy xương bồ thái thành từng lát đem ngâm rượu, để uống trừ ôn dịch trong năm, do vậy dân gian còn gọi tiết Xương bồ hoặc Thiên trung (giờ Ngọ ngày 5/5). Có nhà còn dùng lá ngải phơi khô, tán nhỏ trộn với bột thương truật, xương bồ, quế chi, xuyên khung, bạch chỉ đem rắc mọi nơi trong nhà để trừ dịch, uế tạp. Có người nhân ngày 5/5 Âm lịch chế bài thuốc "Bồ đề hoàn" để dùng trong năm. Bài thuốc này ít công phạt, các chứng cảm mạo phong hàn, sốt rét ngã nước, đau bụng hoặc rối loạn tiêu hóa đều dùng đuợc.

    Bà con Hoa kiều ở Việt Nam, hoặc một số bà con ở thành thị có sự giao lưu với người Hoa am hiểu "Cổ học tinh hoa", còn gắn Tết Đoan Ngọ với kỷ niệm Khuất Nguyên cùng với Lưu Thần, Nguyễn Triệu (đều là người Trung Hoa). Những câu chuyện lý thú này lại liên quan đến một số tình tiết trong lệ tục ngày Tết, do vậy cũng cần hiểu lai lịch để suy ngẫm. 

Sự tích Khuất Nguyên

Bánh tro cho dịp tết Đoan ngọ Mồng 5/5 Âm lịch

    Khuất Nguyên làm quan Tả đồ nước Sở, dưới triều vua Hoài Vương đời Thất quốc (307 - 246 trước CN). Ông là người chính trực nên bị bọn nịnh thần sàm tấu. Những ý kiến ông tâu trình đều muốn hưng thịnh cho đất nước Trung Hoa hồi bấy giờ lại bị vua Sở bác bỏ. Có lần Sở Hoài Vương sang Tần, ông can ngăn không được đến nỗi Hoài Vương bị chết ở đất Tần.

     Tương Vương kế nghiệp cũng bị bọn gian thần thao túng, bác bỏ những ý trung chính của ông, lại còn bắt ông đi đày. Trước những nhiễu nhương đáng buồn đó, Khuất Nguyên làm bài thơ Hoài Sa rồi buộc đá vào người trầm mình tự tử tại sông Mịch La vào ngày 5/5 Âm lịch.
     Tương Vương nghe tin mới hối hận, sức cho dân làm cỗ cúng và đem cỗ sẻ xuống sông để ông hưởng. Đêm đến ông báo mộng cho vua, rằng nếu ném cỗ xuống sông thì phải bọc lá bên ngoài và buộc bằng chỉ ngũ sắc, cá tôm mới không ăn được. Từ lời báo mộng đó, nhà vua ban lệnh cho dân. Do vậy mà hàng năm vào ngày 5/5 có lệ cúng Khuất Nguyên để tưởng nhớ vị đại thần trung chính, lại gói cỗ bằng lá, buộc chỉ ngũ sắc thả xuống sông cho ông hưởng.
     Trên sông Mịch La, người nước Sở đã mở hội đua thuyền (ý như muốn vớt xác Khuất Nguyên), làm cỗ cúng ông tỏ lòng thương tiếc. Và chỉ ngũ sắc sau này trở thành thứ "bùa tui bùa túi" treo cho trẻ em trong Tết 5/5...

     Chuyện Lưu Thần, Nguyễn Triệu
     Đời nhà Hán có hai người là Lưu Thần và Nguyễn Triệu, làm nghề thuốc sinh nhai, lại thân thiết như anh em. Nhân ngày Tết Đoan Dương hai người rủ nhau vào núi hái thuốc và tình cờ gặp hai tiên nữ, nên duyên vợ chồng không tính đến chuyện hái thuốc nữa.
     Nửa năm sau, tuy sống cùng vợ tiên với cảnh quan tuyệt đẹp ở tiên giới, nhưng Lưu Thần - Nguyễn Triệu nhớ nhà da diết nên đòi về làng cũ. Hai tiên nữ ngăn cản mãi không được, đành tiễn chân hai người về làng. Nhưng khi về đến làng cũ thì mọi cảnh đều thay đổi. Vì nửa năm ở cõi tiên bằng mấy trăm năm tại cõi trần. Hai người bèn tìm lại cõi tiên nhưng không thấy nữa, nên rủ nhau vào rừng không thấy trở về...
     Câu chuyện tình của hai chàng Lưu - Nguyễn đã trở thành thiên tình sử, thành đề tài ngâm vịnh của các thi nhân. Còn dân gian thì lấy việc hái thuốc tiết Đoan Dương gặp may của hai người để tìm một điều may nào đó cho sức khỏe, cho cuộc sống con người trong việc hái thuốc tiết Đoan Dương.
Nghi thức cúng lễ và tập tục ngày Đoan Ngọ
    Tết Đoan Ngọ đã trở thành Tết truyền thống. Nhà nhà, làng làng đều sửa lễ cúng ông bà Tổ Tiên, cúng Thần Thánh, cúng các vị Tổ Sư của nghề. Đặc biệt đây là Tết chú ý đến việc bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa sâu bọ (vi trùng) làm giảm sức khỏe của con người. Đó là việc giết sâu bọ, bằng cách ăn rượu nếp làm cho sâu bọ trong người bị say, ăn các trái cây như mận như xoài... là bồi thêm đòn cho sâu bọ chết. Người ta còn mài thần sa, chu sa cho trẻ uống để chống sự phản ứng trong cơ thể.
    - Tắm nước lá mùi: Là tập tục mà các làng quê thường có. Người ta đun lá mùi, lá tía tô, kinh giới, lá sả, lá tre vào chung một nồi, rồi mọi người già trẻ thay nhau múc tắm. Mùa nóng lại tắm nước nóng có lá thơm, mồ hôi toát ra, cảm giác khoan khoái dễ chịu, thơm tho làm cho con người phấn chấn và có lẽ cũng trị được cảm mạo, bởi nước lá mùi là vị thuốc nam.
    - Hái thuốc mồng Năm: Cây cỏ quanh ta có nhiều thứ trở thành vị thuốc chữa bệnh. Nhưng nếu các loại thảo mộc ấy được hái vào ngày mồng 5 tháng 5 Âm lịch, lại đúng vào giờ Ngọ thì tính dược càng được tăng lên, chữa các bệnh cảm mạo, nhức đầu đau xương... sẽ nhanh khỏi hơn. Do vậy dân gian thường hái ngải cứu, đinh lăng, tía tô, kinh giới... đem phơi khô cất đi, khi nào lâm bệnh thì sắc uống.
    - Treo cây ngải cứu trừ tà ma: Người ta còn lấy cây ngải cứu buộc gom thành nắm, treo ở đầu nhà, trước cửa để trừ tà ma. Thực tế thì hương thơm lá ngải sẽ giúp con người dễ chịu, khoan khoái. Lại có thể giảm bớt nhức đầu, đầy bụng nên khi lấy lá mồng Năm, mọi người không thể quên lấy lá ngải cứu. Giết sâu bọ, hái thuốc mồng Năm, tắm nước lá mùi, treo lá ngải trừ tà trong Tết Đoan Ngọ, nhằm làm cho con người, nhất là thế hệ trẻ, khoẻ mạnh để duy trì nòi giống, truyền thống của cha ông. 
    - Tục đeo "bùa tui bùa túi": Người ta còn phòng xa những bất trắc do ma quỷ, rắn rết làm nguy hại đến tính mạng nên Tết mồng 5 tháng 5 còn có tục đeo "bùa tui bùa túi". Đây là thứ bùa ngũ sắc để đeo vào vòng cổ cho trẻ em. Người ta dùng vải và chỉ ngũ sắc để may, để buộc thành các túm bùa. Một túm hạt mùi, một túm hồng hoàng rồi một số quả như khế, ớt, mãng cầu... được buộc gộp thành bùa treo vào cổ trẻ em. Phải chăng hạt mùi kỵ gió, hồng hoàng kỵ rắn rết, còn các quả để giết sâu bọ, chỉ ngũ sắc là màu sắc của vũ trụ - kim, mộc, thủy, hoả, thổ - thường dùng để trừ ma quái, hy vọng sẽ đảm bảo cho thế hệ trẻ được khoẻ mạnh, tồn tại và phát triển.
   - Tục nhuộm móng tay, móng chân: Tết mồng 5 tháng 5 còn có tục nhuộm móng tay móng chân cho trẻ. Họ hái lá về giã nhỏ, lấy lá vông đùm từng nhúm rồi buộc vào móng tay, móng chân. Riêng ngón "thần chỉ" là ngón tay trỏ thì không buộc. Sáng dậy, mở các đầu ngón tay ra sẽ thấy các móng tay móng chân đỏ tươi, đẹp mắt. Ngoài mỹ thuật, tục này còn ẩn dụng ý trừ ma tà lôi kéo làm hại con người.
    - Tục khảo cây lấy quả: Phải chăng từ yêu cầu lấy quả giết sâu bọ, nên người ta đã khảo cây lấy quả. Dân gian quan niệm cây cũng có linh hồn nên những cây "chây luời" không chịu ra quả phải bị khảo. Một người trèo lên cây, một người cầm dao đứng dưới gốc. Người đứng dưới gốc hỏi tại sao cây chậm ra quả và dọa sẽ chặt bỏ. Người trên cây van xin được tha sẽ ra quả và hứa ra thật nhiều quả. Thường thì mỗi dịp này các cành rườm rà được phát bớt và mùa tới cây sẽ ra quả. Việc này khó giải thích, nhưng biết đâu qua việc làm cỏ, phát bớt cành lại kích thích sự ra quả cho cây?
     Tết Đoan Ngọ có những nghi thức tập tục độc đáo, gắn với mảnh đất, con người nhiệt đới phương Nam. Đây còn là dịp Tết có những thứ quả, hạt đầu mùa, mà con cháu không thể quên việc cúng dâng Tổ Tiên. Một quả dưa hấu, một quả mít, một chùm nhãn, đĩa mận, cân đậu, đĩa xôi đầu mùa... đều được đưa lên bàn thờ cẩn tấu Gia Thần, Gia Tiên. Và đây cũng là những sản phẩm để đi lễ gia đình ông bà nhạc tương lai, đi Tết các thầy học, thầy lang, thầy dạy nghề tỏ lòng đền ơn đáp nghĩa. Dân gian còn có lệ nhân ngày 5/5 Âm lịch bày tỏ với nhau tình bằng hữu, xóm giềng mật thiết.
     Tết Đoan Ngọ giữa mùa dương thịnh, nóng bức nhưng các tục lệ cũng thật dào dạt tình người. Phải chăng cái tình cảm êm thấm này vừa biểu hiện sự nhu, tính âm, khiến cho Âm - Dương giao hòa, tình người gắn bó đã làm tăng thêm ý nghĩa nhân văn cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

                                                                                                          (nGỌC tÂM Sưu tầm)
Gặp mặt tại nhà bạn Trần Thị Chờ nhân dịp đầu năm mới
Đứng phải qua: Trương Đình Phu 0903.505272, Đặng Mạnh (Chết), Trần Ngọc Anh 0979782132,
Nguyễn Văn Mùi 0955.714900, Trần Quy Long 0914.044015, Hà Hiếu 0168.9343807, Lê Văn Vạn (chết) Ngồi trái qua: Ngô Hữu Ba (Diệp) 0905.152906, Nguyễn Phi Ba, Trần Đức Vinh 0914038772, Nguyễn Viết Trung 0983.683970, Võ Thị Thu 0913.407867, Nguyễn Thiện Hùng 0975.282794


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét