Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

MÙA ĐÔNG, MƯA, HOA TÍM SẦU ĐÔNG

Tím sầu đông.

      Mùa đông,là mùa mưa đến,gợi nhớ một lần nhìn “mưa trên cây sầu đông”.
       Đà nẵng mình ,ngày xưa rợp bóng cây.Thành phố nhỏ , Pháp quy hoach cho một nhúm nhỏ người ở, nên phố cũ là những ô bàn cờ nhỏ.Biết vậy thôi chứ đâu có đọc sách nhiều, để biết thêm bao thứ khác.Thành phố có cây và trên những con đường có bóng cây.Cây đón nắng để cho con đường râm mát vào buổi sàng ,buổi chiều.Những tàn lá đón những hạt mưa khi Thu qua ,Đông lại.Tuổi học trò hồi đó có ai muốn đội nón,đội mũ khi tới trường.Nón,mũ là tàn cây,tán lá.
    Đi hoài nhiều con đường qua bao năm bao tháng,chỉ biết cây là cây.Cây thuộc họ gì,tên gì thì có lẽ thầy Bê hoặc cô Xuân biết,chứ mình chẳng biết.Những con đường có lịch sử như thế nào cũng kệ.Nhác và nhát nên chẳng dám hỏi thầy Phúc.Thầy mất rồi.Trong khoảng 36 năm trở lại đây,có học trò nào đã đến vấn an thầy và hỏi tên những con đường?Đọc blog của Trân cũng thấy bài lịch sử Đà Nẵng.Nhưng nhiều và chi tiết quá.Không nhớ nổi!
        Chỉ nhớ những con đường rợp bóng cây và nhớ trước cổng trường mình, có nhiều tàn cây lớn.Thưở đó đi học,làm gì mà có người thân đón đưa.Đi một mình hoăc hẹn với bạn ở những ngả ba, ngả tư đường để cùng đến trường.Cũng có vài người con gái, có bạn trai trong mầu áo xanh quân đội,đưa đến trường.Thời buổi loạn ly mà,thành phố ngập tràn đủ sắc áo lính.Sáng đi học thấy những chiếc áo màu xanh của lá,đứng dưới tàn cây,Trưa tan học cũng thấy những chiếc áo màu xanh của lá,đứng bên gốc cây.Có thể trong những chiếc áo ấy là đàn anh,là bè bạn của mình.Nhớ bạn ,nhớ trường nên đến.Đến rồi đi.Một giai đoạn lịch sử mà mình là nhân chứng sống..
        Huế có Trịnh và những hàng cây long não nên có bài Diễm xưa.Ước một ngày,trong bạn bè có bài đề từ: thưở ấy,trên con đường Quang Trung có  hàng cây dầu,cây sao,kiền kiền..có một người con gái.Con gái là đề tài muôn thưở của những người đàn ông và những chàng trai.Đà nẵng mình thiếu gì những người tài hoa.Bạn bè mình cũng thế.Mong có lần được đọc,đuợc nghe một bản nhac,bài thơ viết một người con gái.Hồng xưa hay Cúc xưa,Huệ xưa.
        Chỉ nhớ những cây sầu đông trong những kiệt nhỏ,trong sân nhà ai đó.Mạ mình đã từng xì một tiếng, khi mình chỉ cho mạ cây sầu đông.Thầu đâu thì kêu thầu đâu ,răng mà kêu sầu đông.Người già xưa thường dặn con nít đừng nhai lá cây và ăn những trái nho nhỏ của cây.Độc lắm! Ừ ,mình cũng chẳng thèm để ý đến loài cây,có những chùm trái nhỏ,giữ trên thân suốt mùa Đông cùng lớp nhựa vàng dùng để dán giấy.Giữa tháng giêng đã có những chùm hoa li ti nở.Sầu đâu nghe hay hơn chữ thầu đâu.Rồi nghe và đọc “Mưa trên cây sầu đông” mới thương và nhớ một loài cây,có chùm hoa tím.
        Đọc và quên tên nhân vật.Chỉ nhớ những hạt mưa trên lá và nhớ cảnh sân ga trong mưa.Học trò con gái, ai không thích những chuyện tình lãng mạn,một chuyện tình buồn?Buồn cho nên nói đến mùa mưa ,là nhớ cây sầu đông.Đường Đà Nẵng mình không trồng cây sầu đông ở phố,chỉ có cây Bằng lăng,cây Sao.. Mưa trên cây bằng lăng không đẹp bằng mưa trên cây sầu đông.Có lẽ,cây sầu đông khẳng khiu hơn cây bằng lăng cao lớn ,dù hai loài cây trên cũng đều có hoa màu tím.
        Email của H.V nói rằng:Mấy ngày nay trời âm u và mưa. H.V nhớ đến ngày xưa,nhớ đến chỗ ngồi bên cửa sổ ,nhìn ra đường Quang Trung đầy lá.Viết lại cho bạn nói rằng ,ở nơi này cũng có mưa,làm mình nhớ đến mưa trên cây sầu đông năm cũ.Ai gọi cây Xoan thì cứ gọi.Mình nhớ mạ mình nên cũng nhắc đến cây thầu đâu,sầu đâu.Nhưng nói với bạn mình: nhớ mưa trên cây sầu đông,trong kiệt nhỏ hay trong sân nhà ai đó.
       Mà nhớ để làm chi,khi đất Đà Nẵng không còn dành cho cây sầu đông.Đất dành cho người không đủ,làm sao dành cho giống cây làm người ta buồn.Trồng cây Trúc Đào hay hơn,bỏi lá cây và hoa,là những màu sặc sỡ.Cây nào cũng độc,nhưng người chọn một màu vui.
        Lại nói nhỏ với con,giọng điệu giang hồ: mưa trên cây gì cũng kệ mẹ nó,đừng để ý nghe con!Để rồi già nhìn mưa mà nhớ.Khổ lắm!
                                                                                                                  GIANG 18.11.11


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét