Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

THAM SÂN SI


GIA HÒA VẠN SỰ HƯNG

THÔNG TIN LIÊN LAC (CHS BỒ ĐỀ NK 67 - 74)

           BLOG CỰU HỌC SINH TRUNG HỌC BỒ ĐỀ LÊ NGỌC TÂM 
              Blog: chsbodelengoctam - Email: lengoctam138@gmail.com 
Liên lạc: Lê ngọc Tâm, 138 Đống Đa Thành phố Đà Nẵng ĐT: 0914.000909 -0919.956515

NAM MÔ THÍCH CA MÂU NI PHẬT


Chửi mắng và lời dạy của Đức Phật


Một lần, Phật đi giáo hóa vùng Bà La Môn, Các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo… sau chửi. Thấy Phật thản nhiên làm thinh , họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:

- Cù-đàm có điếc không?


- Ta không điếc.

- Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
- Này Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
- Quà ấy về tôi chứ ai.
- Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi...Là Ông nhận vậy.


Tham Sân Si
Vấn vương chi một chữ THAM
THAM TÌNH - THAM NGHĨA - THAM LAM mọi điều
Vướng SI còn khổ hơn nhiều
SI MÊ chẳng biết những điều thiệt hơn
SÂN là ngọn lửa oán hờn
Cả rừng CÔNG ĐỨC cũng tuôn theo giòng
Lòng thường tự nhủ lấy lòng
Rán mà từ bỏ THAM cùng SÂN SI ..







THAM SÂN SI


Tham, Sân, ai mà không có trong lòng 
Chữ "Si" đáng sợ nơi lòng nhân sinh 
Tham phát khởi, ta chống bằng tâm thiện 
Sân vùng lên hãy nhớ chữ Từ-Bi. 

Tham, Sân đi với lòng Si 
Biết bao sầu khổ, biến nguy cõi trần 
Thất tình lục-dục khổ thân 
Từ-Bi-Hỉ-Xả lành nhân, lợi người.

1. Tham: ưa muốn, ham mê, đắm say, thích thú, cố giữ, keo kiết, ưng được thỏa mãn, mong được khoái lạc, danh vọng,...
2. Sân: chán ghét, giận dữ, thù hận, nóng nảy, chống trả,...
3. Si: ngu dốt, đần độn, lầm lạc, thành kiến, giáo điều, cuồng tín, mê tín,...

      Trong cuộc sống có rất nhiều thứ độc hại. Có loại chất độc làm cho con người trở nên điên đảo như thuốc độc, rượu, bia,… Có loại làm cho con người có cảm giác lâng lâng như xuất hồn ra khỏi xác, kích thích con người năng động hơn, rạo rực hơn và cuồng nhiệt, say mê hơn như thuốc phiện, ma túy, hồng phiến,… Nhưng nguy hại hơn cả là ba thứ độc hại: tham - sân - si. Vì nó là cội nguồn sinh ra mọi thứ tội lỗi, là động cơ khiến con người tìm đến với các chất độc hại kể trên và là động lực lôi kéo con người vào đường tội lỗi, trôi lăn mãi trong luân hồi, sanh tử.

Hình tướng của tham:
     Tham có nghĩa là ham muốn, tham lam. Tham là tâm lý chúng của con người. Lòng tham của con người là vô cùng tận. Mọi người thường tham đắm vào năm món dục: tiền tài, danh vọng, sắc đẹp, đồ ăn thức uống và sự ngủ nghỉ.
      Đối với tiền của, ai cũng muốn mình có thật nhiều. Nói cho chính xác thì không phải con người tham tiền, tham của mà là tham những giá trị mà tiền của có thể mang lại cho họ. Vì tham tiền của mà con người phải làm lụng vất vả, khó nhọc, quần quật quanh năm suốt tháng, không có thời gian nghỉ ngơi. Cũng vì muốn có thật nhiều tiền của mà người ta đã bày mưu, tính kế, lừa dối, gạt gẫm nhau để thu lợi về phần mình, không hề quan tâm đến người khác. Vì thấy lợi trước mắt nên người ta bất chấp mọi qui định của pháp luật, không nghĩ đến đạo nghĩa, không từ mọi thủ đoạn, đánh mất nhân cách của mình. Trong sự tranh đoạt thì nhất định có kẻ thắng người thua, kẻ được người mất. Kẻ được thì vui mừng, hồ hỡi, người mất thì buồn khổ, tủi hận. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự đấu tranh. Một khi đã có nhiều tiền của thì lại lo đến chuyện cất giữ nó. Nhiều người quá ư vất vả trong vấn đề này. Họ phải lo khóa trong, khóa ngoài, phải thuê người bảo vệ mà vẫn chưa an tâm, đi đâu cũng nơm nớp lo sợ, sợ bị chấn lột, bị bắt cốc tống tiền,… Đấy là nói những người làm ăn chân chính. Còn những người làm ăn bất chính thì sự khổ sở và nỗi lo sợ của họ chồng chất rất nhiều. Họ luôn bị nỗi lo sợ ám ảnh, đến cả lúc ngủ cũng không yên tâm, lúc nào cũng có cảm giác như ngồi trên đống lửa, khiến họ ngồi trên đống của mà vẫn không có được một giây hạnh phúc.
   Đối với danh vọng, địa vị, con người cũng ham muốn không cùng. Vì danh vọng và địa vị có thể đem đến cho con người uy tín, quyền lực và tiền của cho nên ai cũng muốn đạt được. Trong trường danh vọng, địa vị cũng không kém phần kịch liệt. Muốn có danh vọng, địa vị thì phải cố gắng, phải làm việc cật lực. Mà những địa vị cao trong xã hội thì đâu có nhiều, cho nên mọi người thường tranh dành lẫn nhau. Nhiều khi để đạt được địa vị, danh vọng, người ta phải bày mưu, tính kế, trù dập lẫn nhau, dẫm đạp lên nhau, đôi khi dùng đến cả những phương thức bạo động để đạt được địa vị trong xã hội. Và khi đã đạt được rồi vẫn thấy chưa yên, một mặt thì lo củng cố địa vị hiện tại, một mặt hướng đến địa vị cao hơn. Chính sự ham muốn quá mức này đã vắt kiệt sức lực và tâm lực của con người. Tổ tiên chúng ta đã nhận định: “Càng cao danh vọng càng dày gian lao”. Thế nhưng mọi người vẫn lao vào con đường tìm kiếm công danh, địa vị, chính vì thế mà khổ đau vẫn mãi bám theo bên mình.
     Đối với sắc đẹp, mà cụ thể là đối với những khoái cảm về xúc chạm thân xác, con người đắm say trong đó, không biết chán, không biết mệt và càng ngày càng lún sâu thêm. Về vấn đề này, trong Kinh Tăng chi bộ, phẩm Sắc, đức Phật có dạy rằng: “Ta không thấy một sắc… một thanh… một hương... một vị… một xúc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc… thanh… hương... vị… xúc người đàn bà. Này các Tỷ-kheo, xúc người đàn bà xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông” và “Ta không thấy một sắc… một thanh... một hương... một vị... một xúc nào khác, này các Tỷ-kheo, xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà, như sắc… thanh.. .hương... vị... xúc người đàn ông. Này các Tỷ-kheo, xúc người đàn ông xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn bà”. Sự hưởng thụ khoái cảm nhục dục quá độ khiến cho thân thể hao mòn, bệnh tật phát sinh. Trong thực tế, nhiều người đã có người hôn phối nhưng khi gặp những người khác phái vẫn nảy sinh sự ham muốn như thường. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của bao gia đình, đem đến cái chết oan uổng của nhiều người và dẫn đến những tai nạn thương tâm. Hậu quả của vấn đề này còn đưa đến cho xã hội nhiều tai hại khác, đó là an ninh xã hội bị xáo trộn, tội phạm tăng thêm, số trẻ em mồ côi, vất vưởng, không nơi ngương tựa càng nhiều,… Và đã có không ít những quan chức, doanh nhân đã phải đánh mất sự nghiệp của mình cũng chỉ vì sắc dục. Sự đắm nhiễm sắc dục quá độ khiến cho bao người cuồng loạn, khổ đau.
     Đối với những thứ thực phẩm, người ta cũng ham muốn rất nhiều. Nhiều người chỉ vì miếng ăn, thức uống mà đã đánh mất nhân phẩm của mình. Sự ham muốn này cũng không bao giờ biết dừng lại, được ăn thứ này lại muốn thứ khác. Lúc nào cũng muốn những của ngon vật lạ, lúc nào cũng muốn thưởng thức những thứ khoái khẩu. Song, những thứ đó không thể từ trên trời rơi xuống, không phải muốn là có được, con người phải trả giá cho những ham muốn này, nhiều khi phải trả giá rất đắt. Các loài động vật tranh dành nhau miếng ăn đã đành, con người tự cho mình là loài động vật cao cấp nhất, thế mà vẫn tranh dành, chiếm đoạt miếng ăn của nhau. Đôi khi vì miếng ăn mà dẫn đến thù hận nhau, chém giết lẫn nhau. Thật là bi thảm!
     Còn đối với sự ngủ nghỉ, sự nhàn rỗi, mọi người vẫn ham muốn có được. Có người cái gì cũng muốn nhưng lại làm biếng, không chịu lao động, chỉ ưa ngủ nghỉ suốt ngày. Nếu chỉ biết ăn rồi ngồi không, không muốn vận động, không tập thể dục thì sẽ có một ngày bệnh tật sẽ kéo đến. Cơ thể con người ví như một cỗ máy, nếu không hoạt động thì cỗ máy sẽ bị rỉ rét, bị hư hỏng; ngược lại, nếu hoạt động quá nhiều mà không bảo trì, sữa chữa thì nó cũng hư. Vì thế cần phải cần bằng trong sinh hoạt, có làm việc, có nghỉ ngơi thì mới được khỏe mạnh. Những người ưa nhàn rỗi, muốn hưởng thụ vui sướng, không chịu vận động, nào ngờ chính lối sống nhàn rỗi ấy là nguyên nhân để cho bệnh tật phát sinh, và thế là họ phải nếm mùi đau khổ của bệnh tật.
     Như vậy, có ham muốn là có đau khổ, còn ham muốn là còn khổ đau, ham muốn càng nhiều thì khổ đau càng lắm. Lòng tham khiến cho con người phải khổ đau cả trong hiện tại lẫn tương lai.
Hình tướng của sân:
    Sân là nóng giận. Có thể là do mong cầu mà không được toại ý nên sinh nóng giận, và cũng có thể là do người khác làm trái ý, phiền lòng mình nên nổi giận. Có loại nóng giận bộc phát ra ngoài và có loại thì âm ỉ cháy bên trong.
    Loại nóng giân bộc phát ra ngoài thì rất là tai hại. Mỗi khi cơn giận nổi lên thì người ta không còn kiểm soát được cử chỉ, hành vi của mình. Những lúc như thế thì không có việc gì mà họ không dám làm, họ có thể giết người, đánh đập, chửi mắng vô cùng thô bạo. Họ vung tay, múa chân, đi đứng vô cùng bạo ngược, nói năng bất hảo, mặt đỏ mắt trừng,… Có những người chồng, người cha, trong cơn nóng giân đã đánh vợ, đánh con đến độ phải chết hoặc gây ra thương tích, trở thành phế nhân, và khi tỉnh lại thì sự đã rồi, thế là quãng đời còn lại của anh ta phải sống trong ân hận, khổ đau, day dứt mãi không thôi.
    Tuy nhiên, do loại nóng giận này biểu lộ ra bên ngoài nên người khác dễ dàng nhận biết được, nếu đối tượng là người khéo léo, nhã nhặm, có khả năng làm chủ bản thân tốt thì có thể chuyển đổi được tình thế, xao dịu được cơn giận của đối phương.
    Đối với những người có khả năng kiềm chế, làm chủ bản thân, khi gặp chuyện trái ý, nghịch lòng, khi bị kích động, sự nóng giân vẫn phát sinh, nhưng họ đủ mạnh để ghìm sự nóng giận ấy vào trong lòng. Đây là kiểu nóng giận của Hoạn Thư:
"Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao"
     Vì lòng giận được ghìm vào, âm ỉ cháy trong lòng nên họ không có những hành động thô bạo. Điều này giúp cho người nóng giận tránh được những hành động nông nỗi trong cơn giận dữ và dễ dàng hóa giải lòng giận hơn nếu họ biết tu tập. Còn nếu như hạng người này mà thiếu tu tập thì họ trở nên vô cùng thâm hiểm, họ hành động âm thầm làm cho đối phương không biết đâu để phòng tránh. Một khi cơn giận cứ âm ỉ cháy trong lòng thì nó làm tổn hại bản thân rất nhiều. Nó làm cho con người trở nên trầm cảm, u uất và dễ phát sinh các chứng bệnh tâm thần và đấy cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh đau bao tử, bệnh ung thư. Vì sự u uất lâu ngày nó làm cho bao tử tiết ra nhiều chất axít hơn bình thường và dễ kết tụ thành những khối u ở trong cơ thể.
     Nói chung, cả hai loại nóng giận đều đem lại tai hại và đau khổ cho cả mình và người trong hiện tại lẫn tương lai. Sự nóng giận làm tiêu tan bao nhiêu hạnh lành, đánh mất nhân cách, uy tín của bản thân. Đức Phật có dạy: “Một niệm sân hận khởi lên, đốt cháy cả khu rừng công đức”.


Về hình tướng của si:
    Si là không sáng suốt, không có trí tuệ, không thấy rõ pháp Tứ đế, không thấy được tính vô thường, vô ngã của các pháp. Trong Tam độc thì si là cội gốc sinh ra hai thứ kia. Có nghĩa là do si mê nên sinh tham trước, do si mê mới sanh nóng giận.
     Điều si mê trước nhất của con người là chấp thân ngũ uẩn này là thật, là của ta (chấp ngã). Chính vì thấy thân này là thật nên thấy những cái liên hệ với thân này cũng là thật luôn (chấp ngã sở). Do cái thấy như vậy cho nên luôn tìm cầu mọi thứ để thỏa mãn sự mong cầu của thân, lo trang sức cho thân. Nhưng sự mong cầu của thân thể thì không có giới hạn nên sự thỏa mãn ấy cũng không có điểm dừng lại. Chính vì thế mà nó lôi cuốn con người vào vòng xoáy của nó, làm cho tâm trí con người càng thêm mờ mịt, thân thể ngày càng bạc nhược. Ham muốn không được thì sinh nóng giận, khi đã đạt được thì phải lo bảo vệ. Nhưng hễ có kẻ được thì tất có người mất, từ đó sanh ra hai trạng thái tâm lý khác nhau, đối kháng nhau giữa người với người và dẫn đến làm khổ nhau mãi.
       Tiếp theo là sự mê chấp tâm lý, ý thức vốn sanh diệt, biến đổi luôn luôn, thế nhưng chúng ta lại mê chấp là thường hằng, bất biến. Thực ra, những thứ ấy do sáu căn tiếp xúc với sáu cảnh cùng với sự tham gia của sáu thức mà sinh ra. Chúng thay đổi, chuyển động luôn luôn. Thế mà chúng ta vẫn bám vào cái giả hợp ấy cho là tâm mình. Khi đã chấp vào sự giả hợp ấy là tâm mình rồi thì mình nghĩ gì, suy tư điều gì cũng đều cho là đúng, là hay, là hợp lý, rồi bảo vệ ý kiến, quan điểm của mình, phản bác ý kiến, quan điểm của người khác. Đây là một trong những nguyên nhân làm phát sinh sự đấu tranh, chống đối lẫn nhau.
Mỗi người đều có duyên nghiệp riêng biệt, có hoàn cảnh sống khác nhau, tiếp thụ những nền văn hóa, giáo dục khác nhau nên thật khó có sự giống nhau trong suy tưởng. Vì thế, mọi người cần phải biết dung hòa lẫn nhau, bổ sung cho nhau và tôn trọng lẫn nhau. Có như thế mới tạo nên cuộc sống ý vị. Giả như mọi người đều đồng nhất quan điểm với nhau, đơn điệu như nhau thì còn đâu là cuộc sống, còn đâu nữa sự phong phú, đa dạng của cuộc đời?!

Đối trị ba độc:
     Như trên chúng ta đã biết, si mê là cội rễ của ba thứ độc hại. Vì thế, muốn loại trừ chúng thì phải nhổ tận gốc rễ, như người làm vườn, muốn làm sạch cỏ thì phải nhổ cỏ cho tận gốc. Một khi không còn si mê thì tham và sân tự nhiên mất đi, chúng không còn não hại chúng ta nữa. Như chư Tổ đã dạy:
“Không sợ tham sân khởi, chỉ sợ không tỉnh giác kịp thời”.
Để cho trí tuệ phát sinh thì phải tu tập theo giáo pháp của đức Phật. Để dứt trừ cội rễ si mê thì tu tập Vô thường quán và Duyên sinh quán. Chúng ta phải luôn luôn quán chiếu vạn pháp là vô thường, tất cả đều vận hành theo qui luật thành-trụ-hoại-không. Hễ có sanh thì có diệt, có tụ hội thì có ly tan. Tất cả đều nương nhau mà tồn tại theo tính duyên sinh, nương vào nhau mà sinh khởi, cái này có mặt vì cái kia có mặt, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt. Mọi sự mọi vật đều không có thực thể, không có tính vĩnh hằng. Chúng chỉ có mặt khi hội đủ nhân duyên và khi các duyên chia lìa nhau thì chúng cũng theo đó mà tan hoại. Bởi vì do duyên mà sinh khởi nên các pháp chỉ là giả hợp. Và thân người chúng ta cũng không ngoài đặc tính ấy. Thân người này có được là do sự kết hợp đúng thời của tinh cha, huyết mẹ và thần thức (thân trung ấm), do năm uẩn cấu thành, vận hành theo chu kỳ sanh-già-bệnh-chết.
     Một khi đã biết thân này là giả hợp, là tạm bợ thì chúng ta sẽ thấy những thứ xung quanh ta cũng là giả hợp, tạm bợ mà thôi. Nhờ sự thấy biết này mà chúng ta không tham đắm, không chấp trước. Do vậy mà khổ đau được vơi đi dần. Ngay thân ta còn tạm bợ, huống gì những thứ danh vọng hảo huyền, những sắc đẹp hào nhoáng, những thực phẩm tạm bợ, những lời nói gió bay, những con chữ mỏng manh ấy. Cho nên chúng ta sẽ không tham cầu, không nổi nóng vì những lời bất hảo, những sự trái ý, nghịch lòng nữa.
    Tuy nhiên, mặc dù thấy thân người là giả hợp, tạm bợ, nhưng không vì thế mà sống vội, sống cuồng, ăn chơi trác táng để rồi khổ mình hại người. Và cũng không vì thế mà sống lây lất, hay là khổ hạnh ép xác, như thế thì chẳng được lợi ích gì cả, chỉ chuốc thêm khổ đau mà thôi. Chúng ta vẫn dùng thân này làm phương tiện để tu tập, hành hóa. Cho nên cũng cần phải đảm bảo đủ điều kiện để cho thân thể được khỏe mạnh, có đủ sức khỏe để tu tập và sống có ý nghĩa.
Ngoài ra, chúng ta cũng nên bố thí, cúng dường, tu tạo phước đức, sống thiểu dục tri túc để trợ duyên trong việc chuyển hóa lòng ham muốn. Và tu tập lòng từ bi, thương yêu mọi người, mọi loài, rèn đức nhẫn nhục để góp phần chuyển hóa tâm sân hận.
    Tam độc là nguyên nhân làm cho chúng sanh đau khổ, bất an và không có hạnh phúc; là động lực thúc đẩy chúng sanh tạo các ác nghiệp và cứ thế mà trôi lăn mãi trong luôn hồi lục đạo, lặn hụp trong biển khổ sanh tử không biết ngày nào ra khỏi; là nguy cơ dẫn đến chiến tranh, tàn hại lẫn nhau, phá hủy môi trường tự nhiên và làm ô uế môi trường xã hội.
     Là những người học Phật, hành theo hạnh của Phật, chúng ta phải tu tập để chuyển hóa dần dần tham, sân, si ở trong lòng. Có như thế chúng ta mới có thể kiến tạo cho mình một đời sống hạnh phúc, an vui và góp phần đem hạnh phúc, an vui đến cho mọi người, làm cho cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội ngày thêm tươi đẹp, ngày càng hạnh phúc và an lành hơn.
                                                                                  - Minh Nguyên -





1 nhận xét:

  1. Cám ơn a T đã đăng bài viết thật hay. Phải tu tập hằng ngày để lòng bớt "tham-sân-si". Chỉ cần bớt tham,sân ,si chứ không dám diệt trừ hẳn đủ thấy mình hạnh phúc rồi .

    Trả lờiXóa