Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

BẠN TÔI THẮP SÁNG YÊU THƯƠNG (Viết về bạn NGUYỄN HỮU ĐA chs Bồ Đề NK 67 - 74 của BTV Hải Hậu Báo CADN )

BS NGUYỄN HỮU ĐA ( CSH BỒ ĐỀ ĐN NK 67-74) BS Trưởng Khóa chạy thận nhân tạo đang thăm hỏi bệnh nhân

THẮP SÁNG YÊU THƯƠNG  
BS Nguyễn Hữu Đa- Trưởng khoa Chạy thận nhân tạo BV Đà Nẵng chia sẻ, trước đây người ta cứ nghĩ mắc bệnh thận coi như cuộc đời đã bỏ đi, trở thành gánh nặng cho người thân. Nhưng với tiến bộ khoa học ngày nay, nếu chạy thận tốt, bệnh nhân có thể sống như người bình thường. Ông kể câu chuyện hơn 20 năm trước, người bệnh níu tay ông bảo xin hãy cứu chị để nhìn thấy con lớn, cháu còn nhỏ quá. Tới giờ, chị vẫn sống bình thường, con chị không những lớn mà đã đi lấy chồng. Vậy, người bị thận không phải gánh nặng, họ vẫn còn giá trị sống, giá trị tinh thần lớn lao đối với người thân. Điều đáng lo ở đây là chi phí theo họ cả đời, cái gánh nặng quá lớn họ không đủ sức đeo địu trường kỳ. Và, gánh nặng ấy, hơn hết, cần sự san sẻ, nâng đỡ của Nhà nước, các nhà hảo tâm. Đà Nẵng là địa phương đầu tiên thấu hiểu tận cùng gánh nặng ấy và có sự chia sẻ kịp thời. "Với người chạy thận, điều đấy ý nghĩa hơn tất cả"- BS Đa nhấn mạnh.
        

KHÔNG PHONG BÌ
Có lẽ nhiều người không lạ chuyện dúi phong bì cho bác sĩ để được quan tâm chữa trị bệnh. "Ở đâu đó không biết, chứ ở đây chúng tôi còn lập Ban từ thiện đi xin tiền hỗ trợ bệnh nhân chứ đừng nói chuyện bì bọt"- BS Nguyễn Hữu Đa- Trưởng khoa, nói thẳng. Cũng nói rõ một chút để bạn đọc hiểu, khoa Thận nhân tạo là nơi thu nhập thấp nhất ở tất cả các bệnh viện. Nói theo ngôn ngữ dân dã là chẳng có "màu mỡ" gì. Vì sao? Khi đã mắc thận, có giàu cũng thành nghèo. Người bệnh lo duy trì chữa trị đã kiệt quệ, nói gì chuyện phong bì lo lót. Tuy vậy, không có nghĩa người nhà bệnh nhân không "làm thủ tục" này với ý nghĩ được việc của mình. "Không phải nói đạo đức theo khẩu hiệu, thực lòng, khi đã vào khoa này, từ bác sĩ tới y tá, nhân viên đều hiểu rằng, bệnh nhân là người thân của mình. Họ sống suốt đời với mình, thậm chí còn nhiều hơn thời gian ở với anh em ruột rà. Giáp mặt nhau suốt, hiểu hoàn cảnh của nhau từng chân tơ kẽ tóc, nỡ lòng nào chìa tay ra nhận phong bì của người bệnh, khi mà người thân của họ phải xoay xở, bươn chải đủ đường ngoài cuộc sống mới kiếm đủ mỗi ngày một ít tiền lo liệu cho gia đình"- Y tá trưởng Hồ Anh, người gắn bó gần 10 năm ở Khoa, chia sẻ.
Chạy thận suốt 12 năm qua, với anh Lê Thanh Khiêm (Hòa Phát, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) thì Khoa đã là nhà, bác sĩ là người thân. Anh Khiêm tâm sự, tiền đâu mà bỏ bì, mà có đưa cũng chẳng ai lấy. Thôi thì mỗi dịp Tết, sẵn thịt heo vợ bán ngoài chợ, anh mang biếu vài anh em trong Khoa gọi là tấm lòng tri ân. Không ai từ chối mà vui vẻ nhận vì họ hiểu đây là tấm lòng chân thật của bệnh nhân. Bác sĩ Đa nhớ, 12 năm trước, khi anh Khiêm nhập viện, vì chưa có BHYT ngay, hồi đó làm nhanh nhất cũng mất 3 tháng, mà tiền chữa trị không có. Bí quá, chỉ còn mỗi cách là trực tiếp đưa đơn lên nhà Bí thư Thành ủy nhờ giúp đỡ, và, chỉ vài bữa là BHYT được giải quyết liền. Với nhiều BS, y tá trong Khoa, có lẽ trường hợp của cháu Mai Hữu Huy, 9 tuổi, ở Tiên Lãnh (Tiên Phước, Quảng Nam) để lại nhiều ấn tượng nhất. Cháu Huy bị từng đợt, cứ khi tái phát lại về Đà Nẵng chạy thận. Cháu người dân tộc, hoàn cảnh rất khó khăn, riêng tiền đi xe, ăn ở khi về chạy thận đã vượt ngoài sức chịu đựng của gia đình, nói gì tiền chữa trị. Cảm thông hoàn cảnh của cháu, các BS trong Khoa đã bỏ tiền túi, gom góp lại lo liệu giúp cháu.
Ban từ thiện của Khoa đang bàn cách huy động kinh phí hỗ trợ bệnh nhân. 
(BS NGUYỄN HỮU ĐA đứng)

CHỊ Ở CHO EM NHỜ
Ở Khoa từ ngày thành lập, giờ đến tuổi hưu nhưng y tá Nguyễn Thị Hồng Hoa cứ lưu luyến chẳng muốn rời. Chị cứ lên Khoa, qua lại trò chuyện với bệnh nhân, những gương mặt gắn bó với mình bao năm qua cho bõ nhớ. Nhiều bệnh nhân bảo, chị ở lại cho bọn em nhờ. Và, như tâm niệm của chị, mình là khách, bệnh nhân là chủ. Gắn bó lâu rồi cũng đến ngày chị rời Khoa, nhưng với bệnh nhân, họ chẳng có tuổi hưu, vẫn phải tới Khoa đến trước khi giã từ cuộc đời. Đang nói chuyện, như chợt nhớ ra một trường hợp éo le, chị liền kéo tôi ra giới thiệu. Anh Trần Văn Thành (43 tuổi) ở Điện Tiến, Điện Bàn (Quảng Nam) bị thận 13 năm nay, hai chân lại liệt, ngồi riết một chỗ, không tự vệ sinh cá nhân được. Tất cả đều nhờ cậy vào người cha đã ở tuổi 70. Sau 14 năm chung sống không có con, anh Thành khuyên vợ hãy đi xin một đứa con, sau này về già có người chăm sóc. Vậy nhưng, khi chị xin được đứa con, anh em trong nhà anh Thành nghĩ chị bỏ chồng theo trai nên cấm cửa về nhà, chị và đứa con thơ vài tháng tuổi phải thuê nhà trọ ở Hòa Khánh, sống qua ngày. Chị Hoa nói: Ở lâu với bệnh nhân thành thử những lo lắng, trăn trở của họ như nhập vào mình lúc nào không hay.
MÁI NHÀ CHUNG
Đã là thân quen trong một mái nhà thì chuyện chia ngọt sẻ bùi cũng là lẽ thường. Anh Vũ Đình Dũng, nhân viên hợp đồng làm việc hơn 4 năm tại Khoa chia sẻ, dẫu lương chỉ nhận 1,3 triệu đồng/tháng, ngoài ra không có bất cứ khoản gì, nhưng mỗi khi có bệnh nhân hoàn cảnh éo le, Khoa phát động quyên góp, giúp đỡ, anh đều hăng hái thực hiện. Tương tự, ở Khoa có 17 người cũng nhận mức lương gần như anh Dũng, dẫu cuộc sống cũng chật vật, nhưng chứng kiến nhiều hoàn cảnh còn éo le hơn, họ đều chung một tâm niệm, thứ quý giá hơn tiền bạc ở đây, dưới mái nhà này, chính là tình người.
BS Đa chia sẻ, trong đầu anh giờ chỉ canh cánh hai việc. Một số bệnh nhân không có nhà ở, lang thang nằm cầu thang, hành lang bệnh viện chờ chạy thận. Anh đang vận động để có kinh phí thuê phòng trọ trong BV giúp đỡ những bệnh nhân này. Một nỗi lo khác, thủ tục cấp BHYT cho bệnh nhân thận khá nhiêu khê. Thay vì cấp BHYT về thẳng BV lại cấp về phường, sau đó bệnh nhân phải làm thủ tục chuyển từ phường lên BV, vì ở phường không có máy chạy thận. Đặc biệt, trong BHYT nên mở rộng danh mục một số thuốc đặc thù cho bệnh nhân thận.
                                                                                                                                  Hải Hậu Báo CADN TP Đà Nẵng













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét