Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

CÁCH NẤU BÚN BÒ THEO TRUYỀN THỐNG HUẾ




Hướng dẫn cách nấu món bún bò Huế gia truyền theo hương vị Huế đúng chuẩn


GÁNH BÚN CỦA MỆ KÉO NGON NHẤT XỨ HUẾ
(SỐ 20 BẠCH ĐẰNG TP HUẾ)

                         






Chuẩn Bị Gia Vị và Rau cho món Bún bò Huế
1. Thắng dầu màu:
Vật liệu:
50g ớt bột Huế
1 muỗng hành tím băm nhuyễn

100g dầu phộng
Cách làm: Đun nóng dầu trên bếp xong bắt xuống bỏ hành băm vào , hành vừa hơi ngã màu kem thì bỏ ớt bột vào. Để nguội, lược bỏ xác ớt ( để làm ớt xào )
Yêu cầu : Hành và ớt không bị cháy. Dầu có màu đỏ tươi của ớt.
2 Xào ớt:
Vật Liệu:
100g ớt sừng đỏ băm nhỏ

1 muỗng tỏi băm nhỏ

5 củ sả băm nhỏ
1 trái thơm băm nhỏ
2 muỗng đường trắng
1 muỗng muối
50g dầu phộng

Cách làm: Đun nóng dầu với lửa vừa phải, bỏ tỏi và sả vào xào cho thơm. Xào khoảng vài phút thì bỏ thơm vào đảo đều luôn tay khoảng 5 phút thì bỏ đường muối vào, sau đó bỏ ớt vào,( cộng thêm phần xác ớt bột sau khi đã lấy màu ở Phần Thắng Dầu Màu ), tiếp tục xào khoảng 15 phút thì được.
Yêu cầu: hỗn hợp ớt có độ keo dẻo. (Có thể bỏ hủ trong tủ lạnh để dành ăn dần )
3. Rau ghém, hành ngò, chanh ớt:
Rau ghém: gồm có:
giá sống ( loại giá ốm nhách và dài, mình chỉ thấy ở Quy Nhơn mới có ),
bắp chuối trắng xắt nhuyễn,

rau muống chẻ
rau xà lách xắt nhỏ ( phải dùng dao thật bén để xắt cho khỏi bị dập )
rau thơm ( chỉ ngắt phần lá )

Tất cả được rửa sạch và để riêng từng loại ( có người thích trộn lẫn với nhau thì cũng OK! )
Hành ngò: Gồm hành lá, ngò rí và 1 củ hành tây rửa sạch
Hành lá : phần củ hành chẻ mỏng, phần lá xắt nhuyễn

Ngò rí : xắt nhuyễn cùng với hành lá.

Hành tây : lột vỏ xắt mỏng ngâm với nước đá lạnh cho dòn và bớt hăng mùi hành. Sau đó vớt ra trộn chung với củ hành chẻ và hành ngò đã xắt nhuyễn.
Chanh ớt:
Ớt xanh ( ớt kim ) để nguyên trái, hoặc ớt sừng xanh xắt mỏng,
Chanh xắt khoảng làm tư bỏ lõi giữa.

Ớt xào, rau ghém, chanh ớt, một lưng chén nước mắm nhỉ được dọn sẵn ra để giữa bàn ăn.
Chuẩn bị nguyên vật liệu nấu bún bò Huế:
Vật Liệu:
Một chân giò heo khoảng 1kí ( giò trước )

700g thịt bò bắp

1 chén muối hột
100g mắm ruốc huế
Một cây mía lau
5 củ sả
1 củ gừng già
50g củ hành tím
2 muổng muối xay
Tiêu xay ( bỏ sẵn trong hủ )
1 chén nước mắm ngon
4kí bún tươi
Huyết bò, hoặc heo ( xắt ra khoảng 20 miếng như đầu ngón chân cái )
20 chả lá Huế, hoặc 250g chả lụa

Chuẩn Bị :
– Rửa và cạo thật sạch lông heo và gỡ phần móng heo. Để nguyên chân giò, thịt bò rửa sạch cũng để nguyên tảng ngâm chung với chén muối hột cùng với xăm xắp nước, khoảng 1-2 tiếng đồng hồ.
– Róc sạch vỏ cây mía lau, chặt từng lóng khoảng 3 đốt tay, chẻ làm tư bỏ vào nồi cùng với khoảng 3 lít nước hầm trong nửa tiếng. Vớt mía ra.
– Mắm ruốc huế ( phải đúng ruốc Huế chứ ruốc vũng tàu là hư bột hư đường! ) quậy đều với 1 lít nước lạnh ( bỏ vào một nồi khác ) nấu với lửa vừa, nhớ vớt bọt. Khoảng nửa tiếng, khi nước ruốc tới, nghe thơm mùi ruốc ( nước ruốc lúc mới sôi còn nghe hăng mùi mắm, nhưng khi tới, thì có mùi rất thơm ), nhắc xuống để nguội, lóng nước trong.
– Củ sả rửa sạch đập dập, chặt làm hai, bó lại bằng dây lạt ( Không được bó bằng dây thun ). Hành, gừng rửa sạch để nguyên vỏ, nướng cháy sem sém, lột vỏ, đập dập. Huyết cắt ra thành từng khoảng 20 miếng cỡ bằng đầu ngón chưn cái cở lớn. Chả luạ ( nếu không có 20 cây chả lá ) cắt ra thành khoảng 10 lát rồi xắn mỗi lát thành hai.
– Lấy chân giò và thịt bò ra khỏi nước muối, rửa lại thật sạch với nhiều lần nước lạnh cho khỏi hôi mùi thịt. Rửa thật sạch dao thớt ( dùng loại thớt gỗ tốt sau khi chặt xong thịt không dính mùn thớt ). Chặt móng heo, chẻ ra làm hai ( đừng để nguyên cái móng, ngó thấy ớn lắm! ). Chặt chân giò ra thành từng khoanh có độ dày khoảng 1,5 phân. Đến phần xương không thể chặt khoanh thì lóc xương ra và dùng dây lạt ( không dùng dây thun ) bó phần thịt và da lại.
Lưu ý: Nhớ kiểm tra lại từng miếng thịt, nếu còn sót lại cọng lông heo nào thì phải dùng nhíp mà phăng teo nó đi. Đây có thể là những con sâu làm rầu nồi bún của mình đó! Phần huyết nếu có người sợ huyết thì không có cũng OK.
Cách nấu món bún bò Huế
– Trước khi chặt giò heo, bỏ tảng thịt bò vào nồi nước hầm mía và bắc lên bếp, có thể đổ thêm nước nếu thấy nước không đủ ngập thịt. Khi nước sôi, nhớ vớt bọt.
– Sau khi chặt giò heo xong thì bỏ phần xương ( đã lóc ), móng và bó thịt dây lạt vào cùng với 1 muỗng muối xay, gừng, hành, sả và nước ruốc trong ( phần nước ruốc đục không lấy ) . Sau khoảng 5 phút bỏ hết phần giò khoanh vào. Nhớ luôn luôn canh vớt bọt. ( Lúc này nồi bún bò đã bắt đầu thơm lừng rồi đó các bạn. Đã đói bụng chưa? Hì Hì! )
– Thử tảng thịt bò và các miếng thịt, nếu dùng đũa có thể đâm vào được thì vớt tất cả ra rỗ ( đừng để quá nhừ ). Cho thêm 1 muỗng muối và nước mắm vào. Nhưng nhớ nêm nếm lạt thôi vì khi ăn, người ăn phải nêm thêm nước mắm sống mới đậm đà. Bỏ huyết vào và sau cùng là chế dầu màu ớt lên trên ( nếu có người không thể ăn cay có thể múc riêng ra một nồi nhỏ trước khi cho dầu ớt vào). Tắt bếp hoặc để lửa thật nhò chỉ đủ giữ nước luôn luôn nóng mà thôi.
– Thịt vớt ra đã nguội. Mở dây lạt của bó thịt heo và xắt lát ( dày mỏng tùy ý ) xong xắn làm hai thành nửa vầng trăng. Thịt bò bắp xắt ra thành từng lát với những đường gân sẽ có hình như những cụm mây.
Ghi chú: Thịt bò lâu mềm hơn thịt heo nên hầm thịt bò trước. Khi hầm nhớ canh vớt bọt để giữ nước lèo luôn trong veo. Khi thịt vừa mềm thì vớt ra ( khi ăn mới bỏ thịt vào nồi lại cho nóng ) không để quá nhừ. Phần sả, hành, gừng để luôn trong nồi không múc ra tô.
Cách múc bún ra tô và…ăn:
Nồi bún bò đã xong. Bún bò ăn nóng và cay mới ngon. Phần đông dân Huế ăn bún với ớt xanh nguyên trái cắn nghe cái bụp mới đã! Ăn với rau ghém sống, có người muốn ăn rau trụng thì trụng với nước thật sôi trước khi ăn chứ không trụng để sẵn ( cần có một cái vợt để trụng rau và bún tươi ).
Ăn với gia đình hoặc bạn bè đông vui mới ngon. Khi tất cả ngồi vào bàn rồi thì đầu bếp mới múc bún. Ai được múc trước thì ăn trước, đừng chờ múc cho đủ 20 người mới tất cả cùng ăn thì những tô múc trước cọng bún sẽ nở to không ngon. Dùng vợt trụng bún cho từng tô, trụng tới đâu múc tới đó, không trụng hết trước một lần.
Trụng bún xong bỏ vào tô dùng kéo sạch xắn cho cọng bún bớt dài. Mỗi tô bún gồm có :
Một vầng trăng có chú cuội ( giò khoanh ). Ai không ăn giò thì một nửa vầng trăng ( thịt heo lát )
Một nửa vầng trăng ( chả lụa ) hoặc 1 cây chả lá.

Hai cụm mây ( thịt bò bắp xắt lát )
Một miếng huyết.
Bỏ hành ngò và rắc tiêu xay lên trên.

Khi ăn nặn chanh, bỏ ớt ( ớt xào hoặc ớt trái hoặc ớt xắt lát) và nêm thêm chút nước mắm ngon. Nếu có bia, rượu thì ăn một hơi cho hết mới uống bia chứ không rai rai tô bún sẽ nguội không ngon.
Trên đây là toàn bộ cách nấu món bún bò Huế đúng chuẩn theo công thức gia đình được những đầu bếp chuyên phục vụ các món ăn Huế chia sẻ, Vào Bếp Nấu Ăn mong rằng các chị, các mẹ sau khi đọc xong bài hướng dẫn sẽ xắn tay ngay vào bếp, và thực hiện một nồi bún bò Huế thật hoàn hảo cho mọi thành viên trong gia đình thưởng thức nhé.

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

N H Â N S I N H Q U A N

         N H Â N  S I N H  Q U A N  T Í C H  C Ự C     
       Tạp Bút

    V Ô  N G à
      ( Australia )


 
         Mỗi người đều có một nhân sinh quan khác nhau   có người lạc quan có người bi quan.
         Người lạc quan luôn nghĩ về mặt tốt của mọi việc đều giữ cách nhìn lạc quan;  người bi quan lại luôn nghỉ về mặt xấu của mọi việc giữ cách nhìn bi quan. Thật ra trên thế giới không có lạc quan tuyệt đối cũng không có bi quan tuyệt đối; "Tâm sinh tắc chủng chủng pháp sinh tâm diệt tắc chủng chủng pháp diệt" (Tâm sinh có vô vàn cách sinh tâm diệt có vô vàn cách diệt).
Lạc quan bi quan đương nhiên có nhân duyên bên ngoài nhưng đa số đều là tự mình tạo nên.

        Có một vị quốc vương khi ra ngoài đi săn không may làm đứt một ngón tay
mới hỏi vị đại thần thân cận nên làm thế nào?
        Đại thần nói với giọng lạc quan nhẹ nhõm: "Đây là việc tốt!"
        Quốc vương nghe vậy giận lắm trách ông hí hửng khi thấy người khác gặp nạn vì thế ra lệnh nhốt ông vào đại lao.
        Một năm sau quốc vương lại ra ngoài đi săn bị thổ dân bắt sống trói vào đàn tế chuẩn bị tế thần.
        Thầy phù thủy đột nhiên phát hiện quốc vương khuyết mất một ngón tay cho rằng đây là vật tế không hoàn chỉnh bèn thả quốc vương ra thay vào đó viên đại thần tùy tùng làm vật hiến tế.
        Trong niềm vui thoát nạn quốc vương nghĩ tới viên đại thần vui vẻ từng nói rằng mất ngón tay là việc tốt liền ra lệnh thả ông và xin lỗi vì đã vô cớ bắt ông chịu nạn một năm trong ngục tối.
Vị đại thần này vẫn lạc quan nói: "Cái họa một năm ngồi tù cũng là việc tốt nếu như tôi không ngồi tù thì thử nghĩ vị đại thần theo người đi săn mà bị lên đàn hiến tế kia sẽ là ai?"

         Bởi vậy việc tốt chưa chắc đã tốt hoàn toàn việc xấu cũng chưa chắc đã hoàn toàn xấu;
         Phật giáo dạy "vô thường" mọi chuyện có thể thành tốt mọi chuyện có thể nên xấu.
         Người bi quan mãi mãi nghĩ đến mình chỉ còn một triệu đồng mà buồn lo
người lạc quan vĩnh viễn hạnh phúc chỉ vì mình vẫn còn mười ngàn đồng.
        Khi Tô Đông Pha bị giáng về đảo Hải Nam sự cô tịch hoang vu trên đảo so với thời kỳ đầu ông mới được thăng chức vùn vụt đúng là hai thế giới khác nhau một trời một vực.
         Nhưng sau đó Tô Đông Pha nghĩ giữa vũ trụ này sống trên hòn đảo cô độc này
 thực ra không chỉ có một mình ông trái đất cũng là một hòn đảo cô độc giữa biển cả giống như con kiến giữa chậu nước khi leo lên một phiến lá đây cũng là một hòn đảo mồ côi.
         Vì thế Tô Đông Pha cảm thấy chỉ cần có thể yên phận là có thể vui vẻ.
         Ở trên đảo mỗi lần ăn một món hải sản địa phương Tô Đông Pha lại thấy mình thật may mắn vì có thể đến đảo Hải Nam này.
         Thậm chí ông nghĩ nếu trong triều có vị đại thần nào đến đây sớm hơn ông ông làm sao có thể được tự mình nếm những món ăn ngon lành như thế này?
Vì vậy nghĩ đến mặt tốt của mọi chuyện là sẽ cảm thấy cuộc đời hạnh phúc không gì sánh nổi.

         Những nhà sư xuất gia vào Phật giáo chỉ một chiếc áo cà sa một đôi giầy cỏ mà chân không vân du khắp cõi.
         Họ có thể đồng hành cùng kẻ hành khất nhưng cũng có thể ngồi ngang với bậc quân vương xem ra lẻ loi một mình nhưng tăng có cả pháp giới cùng một thể với chúng sinh trong vũ trụ vậy nơi nào có chỗ cho cô đơn đây?
         Bởi vậy đời người không có vui buồn tuyệt đối chỉ cần một tinh thần phấn đấu tích cực chỉ cần luôn nghĩ đến mặt tốt của mọi chuyện tự nhiên có thể biến khổ thành vui biến khó thành dễ biến nguy thành an.
         Hải Luân Khải Cần nói: "Hướng về ánh nắng bạn sẽ không nhìn thấy bóng râm." Nhân sinh quan tích cực chính là ánh nắng trong trái tim lời này thật là chân giá trị!
Vô Ngã
( Australia)

Thứ Hai, 7 tháng 3, 2016

BỨC TRANH NGƯỜI ĐÀN BÀ XA LẠ

Người đàn bà xa lạ và kiêu sa đó là ai?
Kiệt tác “Người đàn bà xa lạ” của Họa sỹ Ivan Nhikolaievic Kramskoi
Ngày xưa, Ở huyện Phategiơ, tỉnh Kursk có điền trang của nữ quý tộc dòng dõi Bestugieva. Bà có một người họ hàng xa ở Sant-Peterburgh và một biệt thự ở đó. Người cháu trai của bà điền chủ, một sỹ quan vừa giải ngũ từ Kavkaz trở về nhà tại Sant-Peterburgh, ghé qua thăm người thím.
Chàng Bestugiev trẻ tuổi sửng sốt bởi vẻ đẹp quyến rũ của cô hầu phòng là nông dân được đưa tới từ làng bên. Vì thế mà anh nán lại điền trang. Được sự đồng ý của người yêu, người cháu khẩn cầu thím mình hãy cho phép được mang theo cô hầu phòng, người mà cậu đã quyết định sẽ lấy làm vợ sau khi giới thiệu với cha mẹ mình.
Nghe xong lời thỉnh cầu không bình thường ấy, bà điền chủ vô cùng tức giận – làm sao một quý tộc dòng dõi lại có thể lấy một đứa con gái quê mùa như vậy?! Nhưng chàng trai kiên quyết giữ nguyên ý định của mình đến nỗi sau đó, không ngay lập tức, nhưng cuối cùng cũng chiến thắng.
Tại Sant-Peterburgh, chàng Bestugiev trẻ tuổi giới thiệu người yêu với cha mẹ. Không có những phản đối kịch liệt vì cô dâu cũng đã chinh phục được cả cha mẹ chú rể. Họ bắt đầu dạy cô các nghi lễ, dạy khiêu vũ, cô có một giọng nói thật dễ thương. Họ còn dạy cô học chữ nữa.
Sau đám cưới, hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ đôi khi bị một đám mây ảm đạm bay qua do những ngộ nhận về vẻ đẹp và sự quyến rũ bất thường của Matriona Savvisna. Họa sỹ Ivan Kramskoi cũng trở thành “tù nhân” của cô. Thỉnh thoảng ông ghé thăm gia đình họ. Và là một họa sỹ, Kramskoi không thể không quan tâm đến người đẹp.
Họa sỹ Ivan Nhikolaievic Kramskoi
(27.05.1837 - 25.03.1887)
Vào một ngày đông tiết trời u ám, khi gió lạnh buốt thổi từ vịnh vào, Kramskoi đến “sưởi ấm nhờ” nhà Bestugiev. Đón tiếp ông là chồng của Matriôna Savvisna, giúp khách cởi áo khoác và mũ, sau đó dẫn vào phòng và mời ngồi để mời trà nóng. Ngay sau đó Matriôna Savvisna lao nhanh vào phòng, rất phấn khích, hai má đỏ hồng. Trong khi người chồng giúp cô cởi áo lông, cô liên tục lặp đi lặp lại: “ôi anh không biết là em đã có một cuộc gặp mặt như thế nào đâu!”.
Tại đó, khi uống trà, cô kể cho chồng và khách nghe là đã gặp bà chủ cũ – bà điền chủ ở huyện Phategiơ. Bà kia, đến lượt mình nhận ra cô hầu cũ của mình, và rõ ràng là bà quyết định rằng Matriôna Savvisna phải vô cùng biết ơn vì bà đã cho phép cô đi khỏi cùng với người cháu trai của mình. Nhưng cô hầu cũ đã đi ngang qua với vẻ độc lập và kiêu hãnh như thể tôi không biết bà là ai và cũng không muốn biết …
Câu chuyện đã tạo cho Kramskoi ấn tượng không thể quên được. Trong bức tranh ông định vẽ nhất thiết phải thể hiện được không chỉ vẻ quyến rũ, mà phải cho thấy được ở mức độ nào đó thế giới nội tâm của người phụ nữ trẻ xinh đẹp này. Họa sỹ đã làm được điều đó đến mức nào thì đến nay các nhà nghiên cứu nghệ thuật vẫn còn đang tranh cãi.
Nhưng cuộc sống gia đình của Matriôna Savvisna cũng không được yên ả. Chồng cô bị những tay quá khích thách thức đấu súng. Đã có ba lần đấu súng như vậy, nhưng đều được giải quyết bằng hòa giải. Hơn nữa, họ không thể làm hỏng các mối quan hệ trong gia đình. Thêm vào đó, con trai họ bị ốm và qua đời. Tất cả những điều này đã khuyến khích họ hàng nhà chồng Matriôna Savvisna đưa ra yêu cầu hủy bỏ hôn ước trước nhà thờ, và điều đó đã được thực thi.
Biết được điều này, Kramskoi cho rằng mình có nghĩa vụ tiễn Matriôna Savvisna, cô đã quyết định về lại làng cũ với chị gái. Họ thỏa thuận là cô sẽ viết thư cho ông. Rất lâu sau mà không có tin tức gì.
Kramskoi đã viết thư về làng nhưng không nhận được hồi âm. Về Phategiơ, ông nhận được tin buồn: trên đường về Matriôna Savvisna bị ốm và đã qua đời tại bệnh viện công Phategiơ. Theo những quy định thời đó, nghĩa trang thành phố chỉ để chôn thị dân, nên người ta chôn cất Matriôna Savvisna tại nghĩa trang làng Milenino thuộc ngoại ô thành phố.
Trong thời gian ở Phategiơ và ngôi làng quê của Matriôna Savvisna, Kramskoi đã vẽ được nhiều phác thảo mà sau đó trở thành những bức tranh nổi tiếng như: “Người nông dân với dây cương”, “Người làm đồng” và “Lò rèn”.
BTV.Vũ Thanh Nhàn ST&BS

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

100 CÁCH CHỬA BỆNH DÂN GIAN HAY

Thấy hay, chia sẽ: Bài thơ dạy cách chữa 101 bệnh hay gặp.
101 CÁCH CHỮA BỆNH DÂN GIAN


Chẳng may bị bỏng nước sôi
Ngâm vào nước lạnh một hồi khỏi ngay.
Chẳng may dầm đâm vào tay
Xà phòng đắp lại ra ngay vài giờ.
Vôi bắn vào mắt bất ngờ
Nước đường hãy nhỏ không chờ một ai.
Nhức răng cắn ngậm gừng tươi
Hoặc múi tỏi nướng ở nơi đau nhiều.
Khi bị xương hóc chớ kêu
Ngậm viên C, xương sẽ tiêu dần dần.
Dùng viên C giúp trị hóc xương
Viêm họng uống nước rau cần
Bỏ thêm tí muối vài lần hết đau.
Máu cam chảy, bày cho nhau
Cục bông tẩm giấm nhét vào hết ngay.
Trái nhàu chín vị thuốc hay
Đắp vào mụn cóc ít ngày sẽ thôi
Nếu bị ong đốt nhớ bôi
Một viên aspirin vào vết đau.
Muốn lạc rang dầu giòn lâu
Phun ít rượu trắng bắt đầu trộn lên
Đợi cho khi lạc nguội thêm
Rắc một chút muối đã rang khô vào.
Cá nướng không muốn tróc ít da nào
Trước khi nướng, hãy xoa vào mặt da
Một lớp mỡ mỏng, nhớ nha
Lúc đầu đun lửa lớn, sau là lửa nhỏ hơn.
Cách khử mùi tanh của tôm
Khi luộc, cần nhớ thêm vào miếng quế thơm.
Muốn cho cá hấp, béo ngậy hơn
Để lên mình cá miếng mỡ gà, vậy thôi.
Nếu muốn Nách mình đỡ hôi
Rau Ngò hãy nhớ ăn nhiều nghe không?
Hạn chế căn bệnh tăng xông (Cao huyết áp)
Thường xuyên nhớ đến cái ông rau cần.
Nhai sống, hoặc uống trà gừng
Nôn mửa sẽ hết, bạn đừng có quên.
Ngó sen xào, không muốn thâm đen
Trong khi xào, nhớ cho thêm nước vào.
Bị côn trùng đốt thì sao?
Tinh dầu Tràm hãy bôi vào thật nhanh.
Nếu muốn bảo quản quả Chanh
Cắt đôi úp nửa còn vào dấm chua.
Gan muốn giải độc thì mua
Mỗi tuần 2 – 3 quả trứng (ăn vừa vậy thôi)
Rau cải, không thiếu được rồi
Uống thật nhiều nước, giúp hồi lại gan.
Muốn da trắng trẻo, mịn màng
Rửa, nước vo gạo đầu tiên, hàng ngày.
Nếu bị mồ hôi chân, tay
Kiên trì ngâm nước muối mỗi ngày, bạn ơi.
Mồm ăn hành, tỏi bị hôi
Cứ nhai một ít bã chè sẽ thơm.
Khi ngủ nhớ ôm gối ôm
Hoặc nằm nghiêng trái, sẽ hết mồm ngáy ò ó o.
Để miếng sườn rán không co
Trước khi rán chúng, hãy tìm thớ gân
Tìm thấy chớ có tần ngần
Khía 2,3 phát 1 lần là ngon.
Muốn bóc hoa quả dễ hơn
Nhúng vào nước nóng, đồng thời vớt ngay
Thế rồi cứ lấy móng tay
Bảo đảm sẽ được chén ngay dễ dàng.

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

MÓN ĂN TRUYỀN THỐNG HUẾ


CÁC MÓN ĂN TRUYỀN THỐNG HUẾ

Bánh bèo
Tôm chấy hồng thắm cánh bèo

Dẻo thơm bột gạo quê nghèo nên thương

Hẹn em ngồi quán ven đường
Bánh bèo kết mối tơ duyên đôi lòng




Bánh bột lọc
Bột trong bọc thịt tôm hồng
Lá xanh em gói ươm nồng hương yêu
Bánh ngon nước mắm cay nhiều
Mời anh bữa lỡ ban chiều cùng em



Bánh canh cá lóc Thủy Dương:

Bánh canh cá lóc Thủy Dương
Đang thành đặc sản phố phường Huế thơ
Sáng trưa chiều tối đêm khuya
Trẻ già trai gái tìm mê vị nhà




Bánh canh Nam Phổ
Nhờ em dáo bột tài ba
Bánh canh Nam Phổ nhà nhà đều ưa
Nhụy tôm hồng thắm màu xưa
  Tiếng rao thánh thót bài thơ Ưng Bình (*)
Mời chị mời anh chén bánh canh Nam Phổ
Xơi vô bổ khỏe, có chất bổ có mùi hương
Lại thêm mát mẻ can trường
Sâm Cao Ly cũng sút, rượu Quỳnh tương cũng không bì


 Bánh khoái cá kình


Cá kình vừa béo vừa ngon

Em đổ bánh khoái xương dòn thịt thơm
Vừa ăn vừa nhấp rượu Chuồn

Món quê dân dã tiếng đồn gần xa


Bánh nậm
Mảnh mai xanh sắc lá dong
Mềm mại bánh nậm ấm trong tay người
Nhụy hồng bột trắng tươi mươi
Xuýt xoa nước mắm ngọt lời tỉ tê

Bánh nậm
Mảnh mai xanh sắc lá dong
Mềm mại bánh nậm ấm trong tay người
Nhụy hồng bột trắng tươi mươi
Xuýt xoa nước mắm ngọt lời tỉ tê


Bánh ram bánh ít
Mời em ăn ngậm mà nghe
Bánh ram dòn dụm đắm mê vị nhà
Bánh ít mềm dịu tình ta
Ít ram khăng khít đôi ta chung lòng.




Bánh ướt thịt nướng Kim Long:
Kim Long tỏa khói chiều thơm

Thịt em nướng đã ướp hương đậm đà

Bánh ướt dẻo trắng mượt mà
Đón mừng thực khách gần xa lót lòng




   Bún thịt nướng Kim Long :

Thịt thơm bún trắng rau tươi

Nước mắm ớt tỏi em mời anh chan

Kim Long vườn cũ nắng tràn
Mời nhau “chút Huế” duyên càng đượm duyên
 



Chả Huế
Mời anh thử miếng chả này
Nâng ly hào sảng hương say tận lòng
Cung đình chả phượng nem công
Đôi ta nem chả vốn dòng dân gian



Chè bột lọc bọc thịt quay
Ngọt ngào bùi béo tìm nhau
Thịt quay nằm giữa trắng phau bột mềm
Quen nhau tình đã nên duyên
Chè ngon xứ Huế ngỡ quên đường về


Chè đậu ngự
Thức ngon xưa tiến quân vương
Tinh hoa trời đất đượm hương kinh thành
Chè đậu ngự mát và thanh
Đêm, dâng chén ngọc an lành châu thân




Chè hạt sen:
Hạt sen vừa bổ vừa thanh
Tan trên đầu lưỡi ngọt lành hương xưa
Chè sen mời gọi người thơ
Mát lòng du khách ngẩn ngơ bạn tình




Cơm hến
Đã nghe ớt đỏ cay nồng
Tìm trong vị hến một dòng Hương xanh
Ruốc thơm, cơm nguội, rau lành...
Mời anh buổi sáng chân thành món quê

Nem Huế

Mời em khai vị món nem
Em nem anh chả tình thêm mặn mà
Nem thơm, chua, ngọt đậm đà
Nhờ ai quết nhuyễn thịt thà đêm đêm




Tôm chua
Nguyên là đặc sản miền trong
Theo bà Từ Dũ ra cùng Hương Giang
Tôm hồng, ớt đỏ, riềng vàng...
Vị chua thấm lưỡi nhớ hàng thịt phay


Tré Huế: 




Tai heo, riềng, thính, tỏi, mè...
Các nguyên liệu chính mới nghe đã thèm
Gói trong lá ổi tươi nguyên
Tré cùng nem chả ông ghiền, bà mê