"14 điều răn của Phật" hay "14 điều dạy của Phật" là tên của một bản văn được truyền tụng không có nguồn gốc rõ ràng, nhưng nội dung của bản văn này được nhiều người xem như đã được trích ra từ những ý tưởng trong kinh Phật.
1. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình
2. Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá
3. Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại
4. Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tị
5. Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình
6. Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu
7. Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ti
8. Đáng khâm phục lớn nhất của đời người là vươn lên sau khi ngã
9. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng
10. Tài sản lớn nhất của đời người là đạo đức
11. Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm
12. Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung
13. Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết
14. An ủi lớn nhất của đời người là bố thí
Tại sao Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại?
Dưới đây là nhưng câu chuyện minh họa và những lí giải về điều này.
Hãy chiêm nghiệm đủ 14 lời khuyên của Phật và suy ngẫm. Cuộc sống chúng ta sẽ thanh thản hơn, thương yêu hơn.
Trươc khi làm hãy nghĩ về Nhân - Quả. Sống có phúc, có đức, có hậu cho con cháu sau này.
Những thất bại lớn nhất của con người đều do tính tự cao tự đại sinh ra. Sách Cảnh hành lục cho rằng: "Sự tự mãn (tự cho mình đầy đủ) làm cho mình hư. Sự kiêu căng (tự cho mình giỏi) làm mình trở thành ngu.
Chuyện kể rằng: Có đứa con nhà giàu không coi ai ra gì, thích đứng trên cây tè xuống đầu người đi đường, ai cũng ngại nhà ấy mạnh tiền của chẳng dám nói gì. Một hôm có đoàn quan binh đi qua dưới gốc cây, tay kia tè ngay vào viên quan văn đi đầu, viên quan này gật gù khen giỏi, rồi đi tiếp. Lúc sau viên quan võ đi qua, tay kia vẫn tiếp tục tái diễn trò ấy, nhưng không ngờ viên quan võ nóng tính bèn rút kiếm ra chém phăng đầu đứa xấu chơi. Người đời thường cười tên ngu dốt và thán phục mưu sâu của viên quan văn, nhưng cái chết thì vẫn dành cho kẻ cao ngạo.
Chẳng thế những nước nông nghiệp vùng Đông Nam Á thường dùng biểu tượng cây lúa để đề cao tính khiêm nhường: khi cây mọc càng cao, càng trổ bông trĩu hạt chín vàng thì cây càng cúi thấp để tránh gió đồng ập đến. Lã Khôn thì rút ra bài học: "Khí kiêng nhất là hung hăng, Tâm kiêng nhất là hẹp hòi, Tài kiêng nhất là tự cao", nếu không hiểu được những điều này thì sống trên đời chẳng mấy chốc sẽ thất bại.
Vâng, từ khi 3 tuổi mà không bị tè ra quần là thành công rồi,… lên 7 tuổi giải được bài toán cả lớp chưa ai làm được,… thế đấy. Thành công đôi khi chỉ là những cái nhỏ bé thế thôi, nhưng cũng đáng để tự hào, mãn nguyện lắm chứ. Nhưng tự hào và tự đại thì khác nhau nhiều, nhiều lắm …
Đừng tưởng chỉ mình mình làm được điều đó và cũng đừng cho mình là trung tâm, là vĩ nhân Hãy nhớ rằng, thời thế tạo ra anh hùng chứ không có anh hùng nào tạo ra thời thế được đâu. Thành công của mình cũng có thể hoàn toàn là tất yếu lịch sử và biết đâu đấy, nếu là người khác trong hoàn cảnh ấy có thể làm tốt hơn thì sao?
Thế nên, hãy biết khiêm tốn đi, và hãy sống bình dị thôi, việc mình làm như là trách nhiệm, như là nhiệm vụ mình phải làm, là công việc của mình. Có thể tự hào vì mình đã làm được nhưng đừng có tự hào thái quá, tự kiêu rồi sinh ra tự đại nhé.
Điều mà Phật muốn răn dạy con người ta ở đây là bớt cái thói tự cao, tự đại đi, hãy sống khiêm tốn, giản dị và tôn trọng chính bản thân mình để biết mà tôn trọng thế giới xung quanh
Khi chúng ta tự đại là khi chúng ta tự làm hại mình, trăm sông chảy về biển lớn, biển thấp hơn nên trăm sông mới chảy về, khi chúng ta tự đại chúng ta trơ trọi như núi, đồi trọc chẳng chút sức mạnh nào.
+ Khi chúng ta tự đại như cây to trước gió sẽ bị gãy đổ.
--------------------------------
Trong đời sống, có 3 thứ trong đời không bao giờ vững bền được, đó là giấc mơ, sự thành công, tài sản.
Khi con người thành công, họ luôn có lòng tự đại, họ cho rằng chỉ có họ mới là quan trọng nhất, họ chính là trung tâm của vũ trụ.
Nhưng họ không bao giờ thấy rằng lòng tự đại sẽ khiến họ không muốn nghe người khác nói, không còn muốn thấy những thất bại của người khác để làm kinh nghiệm của chính mình. Và như thế sự thất bại đã thấy trước.
Sâu xa hơn, là họ chỉ loay hoay với cái tôi, mà không hiểu đó chỉ là giả tạm, muôn kiếp trong cõi luân hồi. Lời răn của Đức Phật, là hàm chứa ý này, đó là thất bại lớn nhất của đời người là không bao giờ đạt được cảnh giới của cõi Niết Bàn.
--------------------------------
Tự đại là do ngu dốt mà ra. Con người hiểu lầm thân này là có thật. Thân này là to lớn. Nhưng đó chỉ là một thứ tạm có do cha mẹ sinh ra. Đó là tấm áo dùng trong 100 năm ngắn ngủi.
Vì sao là ngắn ngủi? 100 năm là quá ngắn cho người ham thú vui thân xác và theo đuổi những viễn vông.
Tự đại là sao? Người ta coi mình là đúng, là nhất, là quan trọng, là có hiểu biết, là giàu có, là có danh tiếng... Vì tự đại mà người ta thấy họ đã thành công. Khi hết 100 năm mới nhận ra mình chẳng được gì cả. Tất cả cái tạm có đều tan biến. Cả thân thể cũng vùi vào đất. Và thất bại lớn nhất xảy ra.
Lại nữa, 100 năm là rất dài để tu học để tìm ra chân lý. Chỉ cần bỏ đi những cái giả tạo thì sẽ thấy chân thật. Tự đại cũng từ đó mà không còn nữa. Người không còn chút tự đại là người ham học hỏi. Hiểu biết chân lý thì làm sao có thể tự đại. Lại thấy, không còn ham muốn thành công nên chút mong cầu tự đại nhỏ nhất cũng tan biến.
--------------------------------
"Tự đại" chỉ là Ngã Mạn, một trong 6 phiền não căn bản gồm Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác Kiến.
Phải là những điều đáng tiếc rất lớn như đã được là một tu sĩ mà lại phá giới hoặc lạc vào đường tà, để "lỡ một kiếp người" thì mới là thất bại lớn nhất.
--------------------------------